Cuộc đời Nagumo_Chūichi

Thời trẻ

Nagumo sinh tại thành phố Yonezawa, tỉnh Yamagata phía bắc Nhật Bản vào ngày 25 tháng 3 năm 1887. Ông tốt nghiệp Học viện Hải quân Nhật Bản vào năm 1908. Trở thành một Chuẩn uý, ông tham gia phục vụ trên các tuần dương hạm Soya, NisshinNiitaka. Sau khi được thăng cấp lên Thiếu uý, ông chuyển sang làm việc tại tuần dương hạm Asama.

Sau khi trải qua các khóa học về thuỷ lôihải pháo, ông được thăng cấp lên Trung uý và làm việc tại thiết giáp hạm Aki. Năm 1914, ông trở thành Đại uý trên thiết giáp hạm Kirishimakhu trục hạm Sugi. Ngày 15 tháng 12 năm 1917, lần đầu tiên ông được nắm quyền chỉ huy một con tàu khi trở thành hạm trưởng của khu trục hạm Kisaragi.

Nagumo trở thành Thiếu tá năm 1920. Từ năm 1920 đến năm 1921, ông là hạm trưởng của khu trục hạm Momi. Năm 1924, ông được thăng chức Trung tá. Từ năm 1925 tới năm 1926, Nagumo được cử đến Châu ÂuMỹ để học tập về chiến thuật, chiến lược và các trang thiết bị cho hải quân.

Sau khi trở về Nhật Bản, Nagumo được bộ tham mưu hải quân giao cho công tác huấn luyện tại Học viện Hải quân Quốc gia từ năm 1927 đến năm 1929. Nagumo cũng được thăng hàm Đại tá vào tháng 11 năm 1929 và chỉ huy tuần dương hạm hạng nhẹ Naka và từ năm 1930 đến năm 1931, ông chỉ huy Hải đội khu trục hạm số 11. Từ năm 1933 đến năm 1934, ông là hạm trưởng của tuần dương hạm Takao và từ năm 1934 đến năm 1935thiết giáp hạm Yamashiro. Ông được thăng hàm Chuẩn Đô đốc vào ngày 1 tháng 11 năm 1935.

Trở thành Chuẩn đô đốc, Nagumo tham gia chỉ huy Hải đội tuần dương hạm số 8 với nhiệm vụ hỗ trợ cho cuộc hành quân của Lục quân đế quốc Nhật Bản đến Trung Quốc. Từ năm 1937 đến năm 1938, ông là sĩ quan chỉ huy của trường thuỷ lôi hải quân và được thăng hàm Phó Đô đốc vào ngày 15 tháng 11 năm 1939. Từ tháng 11 năm 1940 đến tháng 4 năm 1941, Nagumo là sĩ quan chỉ huy của Học viện Hải quân Quốc gia.

Chiến tranh thế giới thứ hai

Ngày 10 tháng 4 năm 1941, với kinh nghiệm của mình, Nagumo được giao chức vụ tổng tư lệnh Đệ nhất không hạm đội, chỉ huy hầu hết các hàng không mẫu hạm của Nhật Bản lúc bấy giờ, chuẩn bị cho Nhật Bản tham gia vào Chiến tranh Đại Đông Á. Việc giao Nagumo chỉ huy hạm đội này được xem là không thích hợp khi vào thời điểm đó vì ông ngày càng có dấu hiệu sa sút về sức khoẻtinh thần. Về sức khoẻ, ông bị viêm khớp nặng còn về tinh thần, ông ngày càng tỏ ra thận trọng quá mức dẫn đến nhiều sai lầm trong các trận đánh sau này. Bù lại, ông luôn dành nhiều thời gian nghiên cứu các chiến thuật trước mỗi trận đánh lớn mà ông tham gia.[2]

Ngày 26 tháng 11 năm 1941, lực lượng Nhật Bản chuẩn bị tham gia tấn công Trân Châu Cảng được ra lệnh xuất phát và người chỉ huy cho cuộc tấn công này là Nagumo. Ngày 1 tháng 12, thời gian khai chiến đã đến, Đô đốc Yamamoto Isoroku lập tức đánh điện cho Nagumo "Trèo lên đỉnh núi Nitaka" ra lệnh cho Nagumo thực hiện kế hoạch tấn công. Sau lệnh đó, toàn bộ hạm đội Nhật ngay lập tức tiến hết tốc độ xuống phía nam và mục tiêu là Trân Châu Cảng.

7 giờ 55 phút ngày 7 tháng 12 năm 1941, trận Trân Châu Cảng bắt đầu. Sau 1 giờ 50 phút, hải quân Nhật đã đánh chìm 18 tàu chiến, 232 máy bay chiến đấu của hải quân Mỹ trong khi chỉ mất 29 máy bay chiến đấu. Tuy vậy, trong trận đánh này, Nhật đã không tiến hành oanh tạc các công xưởng, kho dầu và nhất là các hàng không mẫu hạm của Mỹ do không có mặt tại cảng lúc đó nên vẫn còn nguyên vẹn. Tuy nhiên, thắng lợi ở Trân Châu cảng đã tiêu diệt phần lớn hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ và tạo điều kiện thuận lợi cho Lục quân đế quốc Nhật Bản đánh chiếm nhiều khu vực ở Đông Nam ÁThái Bình Dương.

Từ ngày 4 tháng 5 đến ngày 8 tháng 5 năm 1942, trận chiến biển Coral đã diễn ra với cuộc chạm trán giữa các hàng không mẫu hạm. Sau trận đánh này, hải quân Mỹ đã chặn đứng ưu thế của hải quân Nhật. Yamamoto trước sức mạnh của các hàng không mẫu hạm Mỹ đã vạch ra phương án tác chiến tại Midway nhằm tiêu diệt các hàng không mẫu hạm này. Tuy nhiên tình báo Mỹ nhờ giải mã thành công nên toàn bộ kế hoạch của Yamamoto đã bị phát hiện.

Trong trận Midway, Nagumo tiếp tục được giao nhiệm vụ chỉ huy các hàng không mẫu hạm có ý nghĩa quyết định cho trận đánh này. 4 giờ 30 phút ngày 4 tháng 6, Nagumo đã cho mở cuộc không kích đầu tiên nhưng không thu được kết quả như mong đợi. Một trong những sai lầm đã dẫn đến thất bại của hải quân Nhật trong trận này là quyết định chờ lực lượng tấn công ban đầu trở về rồi mới tung lực lượng dự bị tấn công nên bỏ lỡ cơ hội tiêu diệt hạm đội Hoa Kỳ. Cuối cùng khi trận đánh kết thúc, 4 hàng không mẫu hạm Kaga, Akagi, SoryuHiryu của Nhật đã bị đánh chìm. Tham vọng bành trướng của Nhật tại Thái Bình Dương từ đó cũng bị chặn đứng.

Tháng 7 năm 1942, Nagumo được chuyển qua Đệ tam Hạm đội và chỉ huy các hàng không mẫu hạm trong Chiến dịch Guadalcanal nhưng chiến dịch này cuối cũng đã kết thúc với thương vong khủng khiếp về nhân lực và các máy bay chiến đấu của Nhật. Trong chiến dịch này, Nagumo đã tham gia hai trận hải chiến lớn là Trận Đông SolomonTrận chiến quần đảo Santa Cruz. Kết thúc chiến dịch, ông trở về nước nhận nhiệm vụ mới.

Những ngày cuối đời

Ngày 11 tháng 11 năm 1942, Nagumo trở về Nhật Bản đảm nhiệm chức vụ mới chỉ huy trưởng căn cứ hải quân Sasebo. Ngày 21 tháng 6 năm 1943, ông chuyển sang căn cứ hải quân Kure. Từ tháng 10 năm 1943 đến tháng 2 năm 1944, ông được tái bổ nhiệm vào chức Tổng tư lệnh Đệ nhất Hạm đội.

Ngày 4 tháng 3 năm 1944, ông được chuyển đến Saipan thuộc quần đảo Mariana để kiêm nhiệm 2 chức vụ: tổng tư lệnh khu vực Trung Thái Bình Dương và không hạm đội số 14. Trên nguyên tắc, ông vừa là tư lệnh hạm đội vừa là tư lệnh chiến trường chịu trách nhiệm phòng thủ.[3]

Cuộc tấn công của quân Mỹ vào Saipan bắt đầu từ ngày 15 tháng 3 năm 1944. Hải quân đế quốc Nhật đã hoàn toàn thất bại trong nỗ lực cứu viện khi hạm đội của phó đô đốc Ozawa Jisaburo đã bị hạm đội Hoa Kỳ đánh bại hoàn toàn trong trận chiến biển Philippine. Thất bại này đã khiến Nagumo và tướng Saitō Yoshitsugu phải tự mình bảo vệ hòn đảo. Ngày 6 tháng 7, sau khi biết không thể giữ được hòn đảo, Nagumo đã cùng với tướng Saitō và thiếu tướng Igeita tự sát trong một hang động lớn để không bị rơi vào tay người Mỹ.[4] Nagumo đã không seppuku (mổ bụng tự sát) như truyền thống mà dùng súng lục bắn vào đầu (tài liệu khác nói Nagumo đã mổ bụng tự sát cùng với tướng Saitō và thiếu tướng Igeta[4]). Thi hài của ông đã được lính thuỷ đánh bộ Mỹ phát hiện sau khi chiếm được hòn đảo.[5] Nagumo được truy phong quân hàm Đô đốc sau khi chết.